Phân loại cây trồng dựa theo đặc tính cây

Thanh Uyên  Ι  09.2021

Dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định, tất cả các loài sinh vật sống trên Trái Đất, bao gồm cả thực vật, đều được phân loại dựa theo cấp bậc như sau: Giới – Ngành – Lớp – Bộ – Họ – Chi – Loài. Hệ thống phân loại này được tạo ra từ giữa thế kỷ 18 bởi Carl Linnaeusa và vẫn còn được dùng cho đến nay. Riêng trong lĩnh vực cây trồng nông-lâm nghiệp, phân loại cây còn căn cứ vào các đặc điểm hình thái, đặc tính sinh trưởng và các dạng môi trường sống. Bằng cách này, tên gọi của chúng trở nên phổ biến và dễ nhớ hơn nhiều.

Phân loại theo hệ thống Linnaeus
Phân loại cây

Phân loại theo Hệ thống Linnaeus chung cho tất cả các loài và Hệ thống phân loại Thực vật

1. Hình dạng lá

a. Cây thường xanh: Là những loại cây có lá xanh quanh năm, chỉ rụng do sâu bệnh hoặc khi già cỗi do mất chức năng quang hợp.

b. Cây lá rụng: Là những loại cây có lá rụng gần như đồng loạt vào cùng một thời điểm trong năm, thường vào mùa thu ở các loài cây ôn đới và vào mùa hè ở một số loài cây sống trong điều kiện khí hậu Địa Trung Hảib.

c. Cây lá bán xanh: Là những cây có lá tồn tại lâu hơn một năm và sẽ rụng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

2. Hình dạng thân

a. Cây thân gỗ: Là những cây có phần thân sống qua nhiều năm và thường tạo cành nhánh mới sau mỗi năm. Cây thân gỗ có thể là cây gỗ, cây bụi, cây leo hay cây thường xanh, cây lá rụng và cây lá bán xanh.

b. Cây thân thảo: Là những cây có phần thân chết đi sau mỗi năm. Cây thân thảo có thể là cây nhất niên, lưỡng niên và đa niên. Điều này nghĩa là thân của những cây lưỡng niên và đa niên này luôn được tạo mới sau mỗi năm.

3. Chu kỳ sinh trưởng

a. Cây nhất niên: Cây hoàn tất chu kỳ sinh trưởng trong vòng một năm. Thông thường, cây nhất niên ở vùng ôn đới và khí hậu Địa Trung Hải được chia thành 2 loại:

    1. Cây nhất niên mùa đông: Hạt nảy mầm vào mùa đông, ra hoa và tạo hạt vào mùa xuân tiếp theo.
    2. Cây nhất niên mùa hè: Hạt nảy mầm vào mùa xuân, ra hoa và tạo hạt từ mùa hè cho tới trước mùa đông.

b. Cây lưỡng niên: Cây hoàn chu kỳ sinh trưởng trong vòng hai năm. Cây ra hoa và ra trái tạo hạt trong năm thứ hai.

c. Cây đa niên: Cây sống lâu hơn hai năm.

4. Kiểu sinh trưởng

a. Cây gỗ: Thường có 1-3 thân chính và cao hơn 50m.

b. Cây bụi: Thường có nhiều thân và chiều cao thấp hơn 50m.

c. Cây leo: Cây có kiểu sinh trưởng xoắn và leo bám.

d. Cây bò: Thường phát triển nhanh tạo thành các khóm nằm gần sát mặt đất với chiều cao thân khác nhau.

Cây thân gỗ

Cây gỗ

Cây thân bụi

Cây bụi

Cây thân leo

Cây leo

Cây thân bò

Cây bò

5. Nhiệt độ

a. Cây nhiệt đới: Cây thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng (mùa hè) gần như quanh năm, thường ở gần xích đạo.

b. Cây cận nhiệt đới: Cây không thể chịu được điều kiện giá rét của mùa đông nhưng cần một ít lạnh để kích hoạt một số hoạt động trao đổi chất ở cây.

c. Cây ôn đới: Cây cần cả điều kiện giá rét của mùa đông và ấm áp của mùa hè để sinh trưởng bình thường.

d. Cây xứ nóng: Phát triển tốt nhất ở điều kiện khí hậu ấm áp (18-32oC) và không chịu được nhiệt độ giá rét.

e. Cây xứ lạnh: Phát triển tốt nhất ở điều kiện khí hậu lạnh (4-20oC) và có thể chịu đựng tốt nhiệt độ giá rét.

Lưu ý: Khái niệm “nóng và lạnh” ở Việt Nam và các nước khác, đặc biệt là các nước ôn đới có khác nhau. Ở Việt Nam, thông thường nhiệt độ dưới 5-10oC được gọi là rét, từ 10-18oC được gọi là lạnh, từ 18-28oC được gọi là mát và từ 28oC trở lên gọi là nóng. Vì vậy, khi ta nói cây này chỉ thích hợp trồng ở xứ nóng, thì có nghĩa là cây đó phát triển tốt hơn ở khoảng nhiệt độ từ 22-24oC trở lên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cây sẽ phát triển tốt khi nhiệt độ lên quá cao, hơn 32oC. Phần lớn các loại rau màu hoa cắt cành và hoa chậu trồng ở Việt Nam chỉ phát triển tối ưu nhất trong ngưỡng nhiệt độ trung bình từ 18-32oC (ở đây không đề cập chi tiết đến sự khác biệt giữa ngày và đêm). Thấp và cao hơn ngưỡng trung bình này đều có tác động ít nhiều đến sự phát triển bình thường của cây. Lý do của sự khác biệt này là vì Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, gần xích đạo với lượng ánh sáng và ẩm độ cao hơn các vùng khác.

6. Nhu cầu ánh sáng

Cây trồng được phân loại dựa theo nhu cầu ánh sáng có rất nhiều nhóm khác nhau. Trong đó, cách diễn giải phổ biến nhất là cây ưa sángcây ưa bóng. Tuy nhiên, nếu giải thích rõ hơn một chút thì hai khái niệm này khá trừu tượng vì không rõ cây cần bao nhiêu sáng trong vòng một ngày 24 giờ. Vì vậy, theo một số chuyên gia trồng trọt, người ta còn phân tích kỹ hơn và đưa ra một số nhóm như cây ưa sáng hoàn toàn (cần tối thiểu ít nhất 6-8 giờ chiếu sáng trực tiếp), cây ưa nắng sáng hay chiều (ánh sáng trực tiếp buổi sáng hay chiều và còn lại là ánh sáng gián tiếp), cây ưa bóng râm mở (thích hợp dưới tán cây, hiên nhà, kế bên cửa sổ mở), cây ưa bóng râm kín (thích hợp bên trong nhà, kế bên cửa kính). 

Có một nhóm cây khác cũng khá thú vị đó là nhóm cây thích nghi. Cây thuộc nhóm này dường như có thể thích nghi với các điều kiện sống khác nhau dễ dàng hơn các nhóm khác như nắng nhiều hay ít, pH đất cao hay thấp, ngập hay khô nước, ẩm độ không khí khác nhau… Nghĩa là ngưỡng sinh trưởng của chúng rộng hơn.

Phát triển theo hướng cực đoan hơn của nhóm cây thích nghi là nhóm cây chịu đựng. Chỉ có chúng mới có thể sống sót trong một số điều kiện môi trường hết sức khắc nghiệt hay khác thường. Thường các loại cây này đóng vai trò chỉ điểm. Nghĩa là sự hiện diện của chúng có thể là dấu hiệu để nhận biết một kiểu môi trường nào đó.

Ngoài ra, các nhà sinh học và chuyên gia trồng trọt còn phân loại cây dựa theo nhu cầu ánh sáng và được ứng dụng rộng rãi đặc biệt trong lĩnh vực hoa chậu và hoa cắt cành. Theo đó, khả năng ra hoa của cây phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian cây được trưng ra ngoài ánh sáng, gọi là quang kỳ.

Lưu ý: Khái niệm ngày dài hay ngắn thường được sử dụng rộng rãi ở các nước ôn đới do thời gian chiếu sáng của ánh sáng Mặt Trời khác nhau giữa các mùa trong năm do sự di chuyển của Trái Đất xung quanh Mặt Trời. Ngày ngắn hơn vào mùa đông và dài hơn vào mùa hè. Đỉnh điểm của hiện tượng này là 6 tháng mùa đông hoàn toàn trong tối đối lập với 6 tháng mùa hè hoàn toàn ngoài sáng xảy ra ở hai vùng Bắc và Nam cực. Việt Nam nằm gần xích đạo nên độ dài ngày và đêm gần như ít có thay đổi lớn, chủ yếu dao động trong khoảng 12 giờ sáng và 12 giờ tối. Ngày Đông Chí và Hạ Chí là khoảng thời gian có ngày ngắn và dài nhất trong năm tương ứng.

a. Cây ngày ngắn: Là loại cây chỉ nở hoa khi được trồng trong điều kiện ngày ngắn hơn giới hạn tối thiểu, thường là 12 tiếng.

b. Cây ngày dài: Là loại cây chỉ nở hoa khi được trồng trong điều kiện ngày dài hơn giới hạn tối thiểu, thường là 12 tiếng.

c. Cây trung lập: Là cây nở hoa khi đến tuổi trưởng thành bất kể đội dài ngày.

7. Nguồn gốc cây trồng

a. Cây bản địa: Là những loại cây phát triển cân bằng trong một hệ sinh thái ở một vùng địa lý nhất định qua nhiều năm, thường là hàng ngàn năm.

Cây đặc hữu: Cũng là cây bản địa nhưng chỉ được tìm thấy ở một ví trí địa lý với điều kiện khí hậu nhất định, không hiện diện ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất.

b. Cây ngoại lai: Là những loại cây không có nguồn gốc bản địa, được du nhập do vô tình hay cố ý từ bên ngoài vào một vùng địa lý nhất định và có khả năng thích nghi với điều kiện sống mới.

Cây xâm lấn: Cũng là một dạng cây ngoại lai nhưng rất khó bị kiểm soát do khả năng sinh sản và lan rộng nhanh chóng làm mất cân bằng hệ sinh thái, gây hại cho môi trường, nền kinh tế và sức khỏe của con người.

(Tác giả: Thanh Uyên)

a: Nhà thực vật học Thụy Điển Carl Linnaeus được coi là người sáng lập ra hệ thống phân loại hiện tại. Ông đã phát triển hệ phân loại Linnaean để định danh sinh vật với tên gọi duy nhất cho mỗi loài, gọi là tên khoa học. Việc này giúp giải quyết xung đột về từ ngữ và kiến thức khi có nhiều tên gọi thông thường từ nhiều ngôn ngữ khác nhau áp dụng cho cùng một loại cây duy nhất. Hệ thống phân loại hiện tại xếp tất cả các loài trên Trái Đất theo cấp bậc như sau: Giới (Kingdom) – Ngành (Division) – Lớp (Class) – Bộ (Order) – Họ (Family) – Chi (Genus) – Loài (species). Thuật ngữ Họ (Family) được dùng phổ biến trong nông nghiệp. Ví dụ lời khuyên về việc không nên trồng liên tiếp cùng một loại cây hay cây cùng họ tại một vị trí nhất định để hạn chế sâu bệnh.

b: Khí hậu Địa Trung Hải đặc trưng bởi mùa hè khô và mùa đông ẩm ướt, giới hạn ở rìa Tây của các lục địa nằm trong vĩ tuyến 30-45o Bắc và Nam. Ngoài vị trí chính ở vùng Địa Trung Hải, 4 vùng khác trên thế giới có cùng đặc tính khí hậu là California (Bắc Mỹ), Chile (Nam Mỹ), Nam Phi (Châu Phi) và Tây Úc (Châu Úc).

error: Nội dung có bản quyền!