Hiện tượng nảy mầm xảy ra như thế nào?
Thanh Uyên Ι 09.2021
Nảy mầm là hiện tượng chuyển đổi sinh lý của hạt từ trạng thái ngủ nghỉ sang hoạt động, hạt biến đổi hình dạng và phát triển thành một cây mới. Về mặt sinh lý, đây là một quá trình khác phức tạp vì nó liên quan đến một loạt các hoạt động trao đổi chất bên trong các tế bào hạt. Chỉ khi nào tiếp cận đủ nước (ẩm độ) và không khí (oxy O2) trong một ngưỡng nhiệt độ phù hợp, cùng với sự hiện diện của ánh sáng (nếu có), hạt mới chịu nảy mầm.
Trong tự nhiên, việc hội đủ các yếu tố này là cần thiết để quá trình nảy mầm của hạt xảy ra, bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện môi trường, cũng như sự nhạy cảm của hạt giống với các yếu tố đó.
Trong trồng trọt, để hạt nảy mầm hiệu quả, sự can thiệp thêm của con người đối với các yếu tố môi trường là cực kỳ quan trọng. Nó quyết định thời gian và chất lượng nảy mầm của hạt, đồng thời cả vấn đề chăm sóc cây giống về sau bởi vì hạt thường được gieo với số lượng lớn. Hiểu biết về vai trò của các yếu tố môi trường lên sự nảy mầm của hạt là vô cùng cần thiết.
Hạt có kích thước và hình dáng khác nhau
Vai trò của yếu tố môi trường
Nước: Tế bào của cơ thể sống luôn chứa đầy nước. Ở cây, nước chiếm 80-90% trọng lượng và là môi trường lý tưởng cho các hoạt động trao đổi chất diễn ra. Khi cây kết trái và tạo hạt, nước vẫn chiếm ưu thế bên trong chúng. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn trưởng thành, hàm lượng nước trong tế bào hạt giảm dần xuống còn 10-15%. Lúc này, mọi hoạt động trao đổi chất gần như ngừng hẳn hay chỉ xảy ở mức tối thiểu. Đây chính là cách hạt kéo dài thời gian ngủ nghỉ để “tồn tại” trước khi bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Việc hấp thu nước của tế bào hạt khô sẽ giúp tái kích hoạt các loại enzyme cần thiết cho quá trình hô hấp, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho hoạt động nảy mầm.
Khí oxy: Oxy là một thành phần không thể thiếu của hoạt động hô hấp hiếu khí. Nó tham gia vào việc giải phóng năng lượng dự trữ ở tế bào để nuôi dưỡng cho các hoạt động trao đổi chất khác. Ở hạt, năng lượng dự trữ thường được tích trữ dưới dạng tinh bột. Khi các enzyme trong tế bào hạt được tái kích hoạt từ việc hấp thu nước, chúng bắt đầu hoạt động phân giải và giải phóng ra năng lượng. Trong đất, oxy hiện diện ở các khoảng hở và thường tiếp cận với hạt thông qua nước tưới. Thiếu oxy, năng lượng dự trữ không được phóng thích và vì vậy, mọi hoạt động trao đổi chất cần thiết khác cho quá trình nảy mầm đều ngưng trệ.
Nhiệt độ: Nhiệt độ tác động lên tốc độ chuyển hóa và hoạt động trao đổi chất xảy ra ở tế bào do liên quan trực tiếp đến vai trò của các enzyme. Enzyme là một dạng protein, có vai trò xúc tác cho các phản ứng sinh học. Có rất nhiều loại enzyme và mỗi loại chịu trách nhiệm cho một số phản ứng nhất định ở các điều kiện nhiệt độ (và cả pH) khác nhau. Khi phải tiếp xúc với ngưỡng nhiệt độ không thuận lợi (thường ở nhiệt độ cao), enzyme với bản chất là protein, sẽ bị biến tính và mất đi khả năng hoạt động. Tùy theo loại cây, hạt của chúng chỉ thích hợp để nảy mầm ở một ngưỡng nhiệt độ riêng.
Sự nảy mầm và phát triển cây mầm của hạt đậu xanh
Sự tiềm sinh
Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều loại hạt khỏe mạnh vẫn không chịu nảy mầm cho dù hội đủ các điều kiện môi trường như trên. Lý do là bởi vì các loại hạt này có cơ chế ngủ nghỉ hơi khác biệt nhằm tránh tình trạng bị “hủy hoại” dưới các điều kiện bất lợi, chẳng hạn như thời tiết xấu hay bị các loài khác ăn mất. Để bảo vệ chính mình, chúng thường trang bị thêm lá chắn về mặt vật lý hay các chất hóa học đặc trưng hoặc cả hai.
Rào cản vật lý thường liên quan đến lớp vỏ cứng chắc và khó bị vỡ nát. Trong khi đó, rào cản hóa học chứa một số chất điều hòa sinh trưởng gây ức chế nảy mầm hoặc các chất độc hại cho côn trùng sâu bệnh và các loại động vật có nhu cầu tiêu thụ chúng.
Có rất nhiều cách để phá bỏ các rào cản này, từ việc cào nhẹ cho hạt trầy xước, ngâm rửa hạt nhiều lần trước khi ngâm ủ và gieo hạt, đến làm lạnh hay sưởi ấm, thậm chí là đốt cháy phần vỏ hạt bên ngoài. Dĩ nhiên, tùy theo đặc tính của từng loại hạt mà phương cách xử lý cần được lựa chọn phù hợp. Một số loại vỏ hạt cho phép thấm nước nhưng ngăn cản sự hấp thu khí oxy. Do vậy, việc xử lý lạnh có thể giúp loại bỏ rào cản này trong khi xử lý ấm lại ngăn cản hấp thu oxy. Hạt của một số loại cây rừng chỉ nảy mầm khi xảy ra cháy rừng, vốn thường cách nhau mỗi 10-15 năm trong tự nhiên. Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu toàn cầu làm nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, các loại cây này không có đủ thời gian sinh trưởng để cho ra thế hệ tiếp theo, và do vậy dần trở nên tuyệt chủng.
Sự chuyển đổi tình trạng sinh lý của hạt giống, do vậy, còn liên quan đến việc bẻ gãy rào cản của hai yếu tố trên. Thiếu chúng, hạt của một số loại cây có thể không bao giờ nảy mầm được cho dù có nhận đủ các yếu tố môi trường thuận lợi như trên.
Chính vì lý do này, để cải thiện khả năng nảy mầm của một loại hạt nào đó, hiểu biết về hoạt động sinh lý cũng như cấu tạo của nó là vô cùng cần thiết.
Hạt nảy mầm
Sự phát triển của cây mầm
Thông thường, khi nói sự nảy mầm ở hạt, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh cây mầm lú ra khỏi mặt đất cùng với sự xuất hiện của lá mầm như ở bức hình bên phải (bên dưới). Tuy nhiên, về mặt sinh lý, sự thay đổi đó chỉ đơn giản là sự phát triển của cây mầm sau khi hạt đã trải qua hiện tượng nảy mầm. Hạt giống với rễ mầm vừa mới lú ra ở hình bên trái (bên trên) thể hiện kết quả của hiện tượng nảy mầm qua các bước như bên dưới.
Cấu tạo cơ bản của một hạt giống, xem tại đây.
Các bước nảy mầm của hạt
Mặc cho những khác biệt đáng kể giữa các loại hạt ở các loại cây trồng khác nhau, về cơ bản hiện tượng nảy mầm sinh lý bao gồm 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn hấp thu nước hay sự hút ẩm. Ở giai đoạn này, hạt khá im lặng cho dù thật ra, bên trong hạt, các tế bào đã bắt đầu hoạt động hấp thu nước. Việc này diễn ra khá nhanh chóng nhờ vào tình trạng khô khốc trước đây. Ở một số hạt, thường là các hạt có vỏ cứng chắc như hạt khổ qua, dưa hấu hay chanh bưởi, tình trạng trương nước không thể hay ít thấy được rõ ràng. Trái lại, ở hạt đậu chẳng hạn, sự trương nước thể hiện rất rõ qua việc gia tăng kích thước và thậm chí là tình trạng bong tróc của vỏ hạt.
- Giai đoạn hoạt hóa trao đổi chất: Sau khi hấp thu đủ nước, thức ăn dự trữ bên trong hạt bắt đầu được tiêu hóa thông qua hô hấp để cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động khác. Sự hiện diện của khí oxy O2 trong đất, do vậy, là cực kỳ quan trọng để hoạt động trao đổi chất diễn ra theo hướng tích cực. Ở giai đoạn này, hạt cũng bắt đầu cảm nhận ánh sáng và sẵn sàng cho chức năng quang hợp tạo thức ăn.
- Giai đoạn tạo rễ: Vào cuối giai đoạn 2, khi hạt hội đủ “sức mạnh” cần thiết, hoạt động phân chia và kéo dài tế bào diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Rễ xuất hiện và nhô ra khỏi phôi hạt.
Mặc dù không phải loại hạt nào cũng cần ánh sáng cho hoạt động nảy mầm,
vai trò của ánh sáng đối với cây mầm là thiết yếu
Vai trò của ánh sáng đối với sự nảy mầm
Không phải tất cả các hạt giống đều cần ánh sáng để nảy mầm: một số cần, số khác thì không. Dựa vào nhu cầu này, người ta phân hạt giống theo nhu cầu ánh sáng thành 3 nhóm.
Đầu tiên là nhóm cần ánh sáng. Nghĩa là các hạt trong nhóm này không thể nảy mầm nếu thiếu đi ánh sáng. Thường các hạt có kích thước nhỏ thuộc nhóm này, ví dụ hạt xà lách. Chính vì vậy, khi gieo, hạt phải được gieo nông và chỉ phủ một lớp đất hay giá thể mỏng bên trên.
Trái ngược với nhóm đầu tiên, hạt của nhóm không cần ánh sáng, ví dụ hạt hành, không thể nảy mầm nếu bị chiếu sáng trong giai đoạn này. Độ nông của hạt lúc gieo, do vậy, không mấy quan trọng so với nhóm đầu tiên. Tuy nhiên, gieo hạt quá sâu có thể ảnh hưởng đến khả năng trồi lên của cây mầm. Ngoài ra, không nên lẫn lộn giữa nhu cầu ánh sáng của hạt để nảy mầm với nhu cầu ánh sáng của cây mầm sau khi đã nhú ra khỏi hạt. Càng chậm trễ trong việc tiếp xúc với ánh sáng, sức sống của cây mầm càng giảm do cây không thể tự tổng hợp thức ăn sau khi đã tiêu thụ hết phần thức ăn dự trữ trong hạt.
Cuối cùng là nhóm trung lập, có hay không có ánh sáng, hạt vẫn nảy mầm. Ví dụ như hạt rau húng quế hay cải ngọt. Tuy nhiên, cần lưu ý về khả năng tiếp xúc với ánh sáng của cây mầm ngay sau nảy mầm như đã nêu trên.
(Tác giả: Thanh Uyên)
Để tìm hiểu thêm về nội dung bài viết cũng như được tư vấn về cách chăm sóc cây chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực rau quả – trồng cây trong giá thể và môi trường nhà kính, bạn có thể liên hệ qua email: vuoncaybama@gmail.com