Phương pháp làm cứng cây giống
Thanh Uyên Ι 10.2021
Đối với những người trồng cây chuyên nghiệp, làm cứng cây giống được xem là cách để giúp cây mau chóng thích nghi với điều kiện trồng mới. Nhưng tại sao và phải làm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thêm ở bài viết dưới đây.
Đặc tính "bất di bất dịch"
Không giống như các loài sinh vật khác, cây không thể tự di chuyển đi khắp nơi. Chúng phải học cách thích nghi với điều kiện sống ngay khi mới “chào đời”. Hạt giống, bản thân nó không thể quyết định vị trí sẽ nảy mầm bởi vì việc này tùy thuộc vào yếu tố bên ngoài như gió, nước, côn trùng, động vật hay con người… Tuy nhiên, thời điểm nảy mầm là “quyết định” của chính nó. Khi hạt cảm nhận được điều kiện thuận lợi của môi trường xung quanh, hạt sẽ nảy mầm.
Sự phát triển của cây mầm
Cây con sau nảy mầm
Tuy vậy, sự nảy mầm thành công của một hạt giống không có gì đảm bảo là cây mầm sẽ phát triển thuận lợi về sau, cũng như cây con sẽ trở nên khỏe mạnh và thích nghi tốt với môi trường xung quanh. Trong tự nhiên, cây mầm có thể bị sâu bệnh tấn công, bị thiếu nước hay ánh sáng và cần thời gian để thích ứng. Cây con phát triển từ hạt gieo trực tiếp trong vườn thường cũng trải qua các điều kiện tương tự. Nghĩa là từ khi nảy mầm đến khi trưởng thành, chúng chỉ ở có mỗi một chỗ duy nhất và phải đấu tranh cho sự tồn tại của mình. Dĩ nhiên, hạt được gieo trong vườn về cơ bản vẫn được chăm sóc tốt hơn so với ở điều kiện tự nhiên, có nước có ánh sáng và đôi khi còn được bảo vệ khỏi bị côn trùng sâu bệnh.
Điểm chung của cả hai kiểu nảy mầm này là cây con sau khi chào đời phải tự bươn chải để thích nghi với điều kiện môi trường thay đổi cả ngày lẫn đêm. Điều này khác hẳn với kiểu nảy mầm của hạt được gieo trong điều kiện có kiểm soát, ví dụ bên trong các chậu nhỏ hay khay gieo trong nhà hoặc phòng nảy mầm với ánh sáng nhân tạo, được giữ ẩm và kiểm tra thường xuyên. Chính vì vậy, tỷ lệ nảy mầm của hạt ở điều kiện kiểm soát thường cao hơn, cây mầm tránh bị gây hại và cây con cũng khỏe mạnh, phát triển đồng đều hơn.
Cây mầm bị sâu ăn phần ngọn
Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm yếu lớn nhất của một cây giống được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi. Sự dễ dãi và sẵn có trong môi trường sinh trưởng ở vườn ươm không giúp cho cây khả năng tránh khỏi các khó khăn về sau. Làm cứng cây là “bài học cuối cùng” mà một vườn ươm chuyên nghiệp cần phải chuẩn bị cho cây giống của mình trước khi xuất bến.
Tầm quan trọng của bộ rễ
Sự sống của cây bắt đầu bằng sự xuất hiện của rễ, sau khi hiện tượng nảy mầm hoàn tất. Hạt nảy mầm và cuộc sống độc lập chính thức bắt đầu. Rễ phải tìm cách neo đậu cây vào đất, tìm cách hấp thụ nước và dinh dưỡng trước khi cây có thể tự tạo thức ăn cho riêng mình thông qua hoạt động quang hợp. Khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng khoáng đặc biệt gắn liền với giai đoạn khi cây còn nhỏ, hay cây giống trong vườn ươm nơi chúng được chuẩn bị để đối phó với các điều kiện sinh trưởng khác nhau trong tương lai. Lúc này, rễ cây là tiêu chuẩn chính trong việc đánh giá chất lượng của cây giống, ngay cả khi phần ngọn không mấy “ấn tượng”.
Dĩ nhiên, có thể nói một bộ lá tươi mới đầy sức sống cũng đồng nghĩa với việc nó được trang bị một bộ rễ khỏe mạnh. Nhưng hãy cẩn thận, một người trồng trọt nghiệp dư có thể bị đánh lừa bởi màu xanh non mơn mởn của cây giống nhờ được tưới nước và “cưng chiều” thường xuyên trong vườn ươm hơn là khả năng và sức sống thật sự của nó trong việc chống chọi với điều kiện trồng khắc khe hơn ở bên ngoài như nhiệt độ cao, nắng nóng và khô hạn.
Cây giống khỏe mạnh
Một trong các khâu quan trọng để sản xuất ra cây giống khỏe mạnh, theo nghĩa về mặt chất lượng hay sức khỏe để giúp cây có sức đề kháng tốt với sâu bệnh và điều kiện trồng sau này, là khâu làm cứng cây trong giai đoạn vườn ươm. Đối với các loại rau màu ngắn ngày, cây giống thỏa mãn tiêu chí này thường có bộ rễ phát triển đều trong bầu đất hoặc lỗ gieo hạt, nhiều lông rễ và rễ bên với chóp rễ trắng sáng, phần ngọn săn chắc với lá có kích thước vừa phải so với bình thường, hơi sẫm màu và không quá bóng bẩy.
Bộ rễ của một cây giống khỏe mạnh
Vậy làm cứng cây giống thực chất là gì?
Về mặt chuyên môn, làm cứng cây giống được hiểu là các biện pháp cần thiết nhằm “huấn luyện” cho cây dần trở nên thích nghi với điều kiện sống mới. Điều này cũng tương tự như việc bạn muốn tham dự một cuộc chạy đua marathon đường dài 42km nhưng lại chưa bao giờ làm vậy trước đây, thậm chí là chưa bao giờ chạy một mạch liền 5km. Điều gì đảm bảo rằng bạn có thể làm được ngay từ lần đầu tiên? Chẳng có gì cả! Trừ khi bạn phải bỏ công sức ra để luyện tập theo từng bước: ngày 1 chạy 2km, ngày 2 chạy 3km, ngày 3 chạy 5km… và cứ thế cho đến khi thể lực đạt đến mức độ mong muốn.
Cây trồng cũng vậy! Nó cần phải được “rèn luyện” cũng giống như “dạy con từ thuở còn thơ”.
Mặc dù có thể áp dụng các biện pháp cần thiết cho bất cứ giai đoạn phát triển nào của cây, hành động làm cứng cây thường được thực hiện đối với cây non hay cây con đã quen sinh trưởng trong môi trường có kiểm soát. Mục đích là để giúp chúng thích nghi dần với điều kiện trồng mới sau này, tránh bị sốc hay thậm chí là chết đi do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng… Quá trình làm cứng cây khuyến khích sự thay đổi bên trong cây con từ trạng thái mềm mại, mọng nước sang cứng cáp và mạnh mẽ.
Khi nào nên bắt đầu làm cứng cây giống?
Thời điểm bắt đầu làm cứng cây con hay cây giống là khác nhau tùy theo loại cây trồng. Tuy nhiên, điểm chung nhất là nó phải xảy ra trước khi có sự thay đổi điều kiện trồng, thường từ vài ngày đến 1 tuần hoặc thậm chí có khi lâu hơn đối với các loại cây ăn quả hoặc cây giống được sản xuất qua chiết ghép hơn là từ hạt.
Đối với các loại rau màu và cây ngắn ngày, khi thời gian cây giống trong vườn ươm chỉ kéo dài từ 10-12 ngày hoặc 1 tháng, nên bắt đầu làm cứng cây ít nhất là 2-3 ngày trước khi chuyển cây ra vườn. Tuy nhiên, hiệu quả làm cứng cây theo kiểu ngắn hạn này thường không được thấy rõ và ít có tác dụng đối với các loại cây giống có thời gian phát triển quá ngắn trong vườn ươm, ví dụ dưa leo hay bí ngồi. Những người kinh doanh vườn ươm thường sẽ muốn xuất cây càng sớm càng tốt để giải phóng mặt bằng cho nhu cầu mới. Kéo dài thời gian chăm sóc trong vườn ươm chỉ tốn thêm công sức và chi phí, chưa kể nếu không chăm đúng cách, cây phát triển quá mức trong bầu làm xấu đi hình ảnh chất lượng cây giống. Và dĩ nhiên, chẳng có khách hàng nào muốn nhận cây như thế.
Để thấy được hiệu quả từ việc làm cứng cây của các loại cây giống ngắn ngày, chúng cần được giữ lâu hơn trong bầu gieo và dĩ nhiên, trong trường hợp này, bầu gieo cũng phải có kích thước hơi lớn một chút. Chi phí sản xuất cây giống cũng tương ứng tăng theo. Và đây là bài toán kinh tế cho cả hai bên cung và cầu, trong đó chất lượng là yếu tố hàng đầu.
Đối với các loại rau thu trái và có thời gian cây giống dài ngày hơn như cà chua, ớt, cà tím… làm cứng cây 3-5 ngày hay thậm chí là 7 ngày hoặc lâu hơn trước khi xuất mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ngay cả khi bạn không phải là nhà sản xuất cây giống mà cũng không phải là người trồng cây chuyên nghiệp, việc làm cứng cây cho một vài cây giống mới mua từ vườn ươm về trước khi trồng cây ra vườn hoặc trồng cây ra chậu bên hiên nhà cũng là điều cần thiết. Bởi vì việc này sẽ giúp cho cây giống làm quen với điều kiện sống mới ở nhà bạn.
Bất cứ cây trồng nào cũng có cơ chế tự điều chỉnh các hoạt động trao đổi chất bên trong để thích ứng với điều kiện bên ngoài. Bạn chỉ cần kiên nhẫn và cho nó một chút thời gian.
Cách làm cứng cây giống
Thật ra, không có một tiêu chuẩn hay biện pháp duy nhất nào trong việc làm cứng cây. Bởi vì việc này hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và môi trường mới mà cây sẽ sắp được trồng, bên cạnh mức độ nhạy cảm của cây. Cây sinh trưởng trong điều kiện ôn đới có 4 mùa rõ rệt sẽ cần được làm cứng cây khác với cây sinh trưởng ở vùng khí hậu Địa Trung Hải, và dĩ nhiên là cũng khác hẳn so với điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta.
Nắm được mục đích chính của việc làm cứng cây, cộng với 2 yếu tố trên (điều kiện môi trường trồng mới và mức độ nhạy cảm của cây), sẽ giúp bạn quyết định nên làm thế nào đối với từng loại cây cụ thể. Chẳng hạn sử dụng các biện pháp riêng lẻ hay kết hợp và làm cho nó đa dạng hơn tùy theo điều kiện thực tế.
Dưới đây là một số biện pháp làm cứng cây phổ biến ở điều kiện khí hậu tương đối nóng ẩm ở nước ta. Lưu ý: phần lớn các biện pháp này đều phải được làm từ từ hoặc đôi khi phải theo tuần tự. Ví dụ: để cây ra sáng ngày đầu tiên trong 2 tiếng rồi sau đó tăng lên 3 tiếng…
- Để cây tiếp xúc với điều kiện khí hậu bên ngoài (ra khỏi khu vực được kiểm soát);
- Để cây tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên bên ngoài. Bắt đầu từ trong bóng râm và dần dần tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt Trời theo một khoảng thời gian nhất định, tăng dần theo ngày. Ánh sáng buổi sáng là tốt nhất cho việc này;
Để cây giống ra vườn 1-2 ngày trước khi trồng
Bầu mang cây giống thường khá nhỏ. Ở điều kiện bên ngoài, bầu dễ bị khô nước và cây cũng thoát hơi nước nhanh hơn do ẩm độ thấp và có sự luân chuyển của gió. Vì vậy, cần để ý để điều chỉnh lượng nước tưới, che chắn cho cây nếu cần thiết để tránh bị khô khốc và kiệt sức.
- Tăng cường độ ánh sáng nếu cần thiết;
- Trừ khi nhiệt độ ban đêm xuống quá thấp hoặc có khả năng trời mưa, có thể để cây qua đêm ở bên ngoài sau khi cây đã quen dần với điều kiện bên ngoài;
- Giảm nước tưới từ từ hàng ngày, đặc biệt vào lúc sáng sớm và chiều tối. Việc này phải được làm một cách cẩn thận, tránh không để cây bị héo. Theo dõi sự thay đổi màu sắc xanh nhạt và đậm ở phần ngọn và các lá xung quanh;
- Tăng EC của nước tưới. So với biện pháp giảm nước tưới, tăng EC không phải là một giải pháp khôn ngoan vì có thể gây cháy lá. Cách này chỉ áp dụng cho một số loại cây trồng ít nhạy cảm và khi bạn có thể kiểm soát tốt điều kiện chăm sóc cây;
- Tiếp tục chuyển và trồng cây giống sang chậu có kích thước lớn hơn. Chăm sóc cây giống thêm một thời gian nữa trước khi chính thức trồng ra vườn;
Bởi vì cây giống thường bị thay đổi vị trí trong giai đoạn làm cứng cây, cần để ý đến các yếu tố có thể gây hại cho cây. Nên tránh để cây trực tiếp dưới nền xi măng, gần nơi có gió mạnh, bên dưới tán của một số cây có côn trùng sâu bệnh…
Cuối cùng: quan trọng nhưng ít ai làm – tưới nước ngay sau khi trồng
(Tác giả: Thanh Uyên)
Để tìm hiểu thêm về nội dung bài viết cũng như được tư vấn về cách chăm sóc cây chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực rau quả – trồng cây trong giá thể và môi trường nhà kính, bạn có thể liên hệ qua email: vuoncaybama@gmail.com