Bạn có biết

Cây có giác quan không?

Chủ đề của BLOG
là cùng nhau tìm hiểu:

Cây hoạt động như thế nào?

Cây cối, nhìn bề ngoài trông chúng có vẻ rất yên tĩnh. Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ sinh vật sống nào khác, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là kết quả của vô số các hoạt động trao đổi chất phức tạp đang diễn ra bên trong. Các hoạt động này, có thể chỉ đơn giản là hành động hấp thu nước tưới của rễ; nhưng cũng là quá trình vận chuyển nước đường dài lên thân cây cao cả trăm mét mà đến nay các nhà khoa học vẫn còn “bận rộn” để tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Cây có thể chỉ đơn giản là vươn tới chỗ nào có nhiều ánh sáng; nhưng để làm gì và bằng cách nào? Liệu có phải là chúng cũng muốn nhìn thấy ánh sáng giống như chúng ta, qua đôi mắt?

Nếu bạn cũng là người yêu thích cây cảnh và tò mò muốn tìm hiểu xem chúng hoạt động như thế nào, cùng nhau, chúng ta hãy chia sẻ những điều mình biết 😊.

Đôi lời

Cây có giác quan không?

Cây trồng luôn hấp dẫn tôi, không phải chỉ bởi màu sắc sặc sỡ của hoa hay mùi vị ngon lành của các loại trái cây – rau quả, mà đơn giản chỉ là màu xanh của lá mang đến cảm giác vô cùng thoải mái.

Mặc dù sống trong chung cư, tôi vẫn trồng một vài cây cảnh nho nhỏ để quan sát chúng mỗi ngày.

Ngoại trừ sự cố khi tôi nuôi một con mèo, rồi thêm một con mèo nữa, rồi lại có khách khứa bốn chân tới chơi… thì đành phải lần lượt chào tạm biệt mấy cây cảnh yêu quý. Bởi vì Lóc Cóc – Blacky (tên hai con mèo) và chó Bông, đã thay tôi quán xuyến hết thảy bằng cách ngửi ngửi và thì thầm gì đấy với mấy cái cây, cùng nhau chơi trò trốn tìm. Nhưng rồi cuối cùng, chúng cũng quyết định rằng: Mèo, chó và cây có vẻ không thể sống chung với nhau lâu dài mãi trong một không gian chật hẹp bị giới hạn bởi bốn bức tường.

Khi phải chuyển chỗ ở, tôi vẫn tìm cách trồng cây trong vườn, gieo một ít hạt dưa leo, cà chua, ớt và rau mùi để ngắm nghía chúng. Xem thử ở nơi có điều kiện khí hậu mới những cây quen thuộc với mình sẽ sinh trưởng như thế nào.

Có lẽ tôi may mắn thừa hưởng tình yêu này từ Ba Má tôi. Mặc dù đã gần 80 tuổi, vườn cây trong nhà vẫn luôn xanh tươi với đầy đủ các loại cây trái.

Cây trồng với môi trường xung quanh

Những ai thích trồng một vài cây cảnh hay rau màu trong nhà, trên sân thượng nơi bạn có thể lâu lâu đứng nhâm nhi một tách trà hay ly cà phê, ngắm nghía sang ban công nhà hàng xóm và đặc biệt là xem thử mấy cây ớt mình trồng nay đã ra trái chưa chắc sẽ nhận thấy một điều là: Hình như kiến có vẻ cũng thích ăn ớt giống mình?!

Chúng kéo hàng hàng lũ lũ khắp nơi trên cây, đặc biệt là mấy chồi non mơn mởn đang nhú ra.

Lẽ nào với kiến, ớt có mùi vị thơm ngon đến vậy?

Nếu bạn có hiểu chút ít về sinh lý cây trồng và đã từng có cơ hội đọc quyển sách “What a plant knows?” (tạm dịch là “Cây biết được những gì?”) của tác giả Daniel Chamovitz, có lẽ bạn sẽ cùng chia sẻ một cảm giác giống tôi là hình như cây cũng có tâm hồn.

Thật ra điều này không mới. Đã có khá nhiều tác giả đề cập đến chủ đề này từ rất lâu tuy không phải ai cũng có cùng quan điểm. Đây chỉ là vấn đề cảm nhận cá nhân. Tuy nhiên, cũng có một số người thật sự tin tưởng vào điều này và thậm chí không bao giờ hái lá tỉa cành khi cây còn “sống”. Bởi họ lo lắng việc đó sẽ làm tổn thương cây. Tổn thương ở đây ý nói về mặt “tinh thần” chứ không chỉ riêng về thể chất. Và vì vậy, họ chỉ ăn những phần mà cây thải hồi, ví dụ như trái đã chín và rụng xuống đất.

Sử dụng giác quan là một hình thức cây hoạt động để tìm hiểu môi trường xung quanh

Một trong những ví dụ thú vị về khả năng sử dụng giác quan của cây mà Tạp chí New York Times công bố năm 2006 về một nghiên cứu của Mescher, Consuelo và Justin đó là dây tơ hồng cũng có “mũi” để ngửi và tìm đến loại thức ăn mà chúng ưa thích.

Dây tơ hồng là một loại dây leo có màu vàng, một số giống có màu trắng hay hồng nhạt. Chúng không có rễ hay lá, chỉ có thân là các dây leo xoắn quanh các cây khác. Thật ra, chúng có các giác mút thay cho lá giúp bám vào bề mặt các vật thể khác nhưng khá nhỏ và khó thấy được bằng mắt thường. Vì vậy, xét theo tự nhiên thì dây tơ hồng không phải là một loại cây bình thường vì nó không có rễ mọc xuống đất. Mà như vậy, thì nó không thể hút nước và dinh dưỡng để tự nuôi sống chính mình.

Những đứa trẻ sống ở vùng quê như tôi hẳn biết cách ngắt một vài cọng dây tơ hồng từ nhà hàng xóm rồi bỏ lên mấy cây dâm bụt hay cây duối ở hàng rào trước nhà để chúng tự lớn lên. Bẵng đi một thời gian dài, một phần cây hàng rào có thể bị rụi và chết đi. Đó là bởi vì dây tơ hồng đã hút hết dinh dưỡng từ bụi cây mà nó đang sống cùng. Và do vậy, người ta còn gọi dây tơ hồng là một dạng cây sống bám hay ký sinh.

Dây tơ hồng sử dụng "mũi" để làm gì?

Việc dây tơ hồng bò leo và sống nhờ vả vào cây khác không phải là chuyện lạ. Điều thú vị là ở chỗ nếu được lựa chọn, nó sẽ chỉ ăn bám vào loại cây mà nó thích. Trong trường hợp này là cây cà chua. Ba nhà khoa học nhận thấy nếu để cây tơ hồng  ở giữa một cây cà chua và một cây lúa mì, nó sẽ luôn hướng đến cây cà chua. Kỳ lạ hơn nữa, nếu để nó ở giữa hai loại nước chiết xuất từ cà chua và lúa mì, hay ở giữa một cây cà chua đã bị ngăn cách tỏa mùi và một lọ nước chiết xuất từ cà chua, nó cũng chỉ hướng đến lọ chiết xuất có mùi cà chua.

Điều này cũng tương tự như việc cây cối tỏa ra mùi hương và thu hút côn trùng đến để hút mật và giúp thụ phấn. Chỉ có điều trong trường hợp này, cây tơ hồng đã ngửi thấy mùi vị của cây cà chua theo cách mà côn trùng tìm đến cây cối thông qua một loại “khướu giác” đặc biệt nào đó mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được.

Cây hoạt động - An Australian dodder plant (Cuscuta australis)

An Australian dodder plant (Cuscuta australis) wraps around a soybean host plant in a laboratory. The parasite is flowering in conjunction with its host and has already begun producing seed capsules. New research suggests that dodders may use a flowering signal from their hosts to induce their own reproduction.JINGXIONG ZHANG/KUNMING INSTITUTE OF BOTANY/CHINESE ACADEMY OF SCIENCES

Đọc thêm: This parasitic plant eavesdrops on its host to know when to flower
(ScienceNews, By Jonathan Lambert, 4th Sep 2020)

Cho dù bạn trồng cây vì lý do gì, một chút hiểu biết về cây trồng sẽ làm bạn thấy thích thú và ngạc nhiên. Còn đối với những người làm vườn, sự hiểu biết đó có thể là một bí kíp nho nhỏ giúp ích rất nhiều trong việc chăm sóc và làm cho cây phát triển tốt hơn. Sự hiểu biết này đến từ những thay đổi ở cây mà bạn quan sát được do vị trí nơi bạn quyết định trồng, cách bạn tưới nước, bón phân và chăm sóc…

Mặc dù không thể diễn tả thành lời, cây sẽ có cách cho bạn biết rằng chúng đang rất hạnh phúc với nguồn dinh dưỡng hợp lý qua mấy bông hoa đang nở rộ sặc sỡ hay chỉ đơn giản là buồn rũ rượi bằng cách trưng ra những chiếc lá héo.

(Tác giả: Vườn Nhà Mình)

error: Nội dung có bản quyền!