Bí quyết gieo hạt của một số loại rau phổ biến
Thanh Uyên Ι 10.2021
Như đã giới thiệu về cách hạt nảy mầm ở bài viết trước, mỗi loại hạt có nhu cầu khác nhau về điều kiện môi trường, cũng như việc phá bỏ các rào cản vật lý – hóa học cần thiết, trước khi hiện tượng nảy mầm xảy ra.
Gieo hạt: dễ hay khó?
Về cơ bản, gieo một ít hạt rau hoa vào chậu hay trong vườn nhà không phải là quá phức tạp. Bạn chỉ cần chuẩn bị một ít đất ẩm, tơi xốp; gieo hạt vào rồi phủ lên một lớp đất mỏng khoảng 0.2-0.5cm; cẩn thận hơn nữa thì phun nhẹ thêm một ít nước để hạt được tiếp xúc đều với đất; sau đó đặt chậu cây gần cửa sổ nơi có ánh sáng và canh chừng mỗi ngày để xem có cần bổ sung thêm nước hay không. Tùy theo loại rau và điều kiện nhiệt độ, khoảng 3-5 ngày sau, bạn sẽ bắt đầu thấy hạt giống trồi lên khỏi mặt đất.
Sự nảy mầm và phát triển cây mầm của hạt đậu xanh và bắp
Theo hướng dẫn này, trong vòng một tuần, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng làm cho hạt bắp, lúa, đậu xanh, dưa leo, xà lách, ngò… nảy mầm mà không phải tốn quá nhiều công sức.
Tuy nhiên, có thể bạn sẽ phải chờ hơi “dài cổ” nếu gieo hạt khổ qua, dưa hấu, húng quế, bí đao, cà tím… Thậm chí có khi sau cả tháng, chẳng thấy cây nào xuất hiện. “Có lẽ mình mua trúng hạt xấu? Công ty bán giống này gạt mình? Mình quên tưới nước giữ ẩm? Hay mình tưới nhiều quá?… Sao kì vậy ta?…” là tất cả những ý nghĩ kỳ quặc có thể xuất hiện trong đầu bạn.
Mọi lí do đều có khả năng xảy ra. Một công ty bán giống chuyên nghiệp sẽ luôn có hướng dẫn chi tiết cho khách hàng (nếu bạn hỏi, vì đôi khi những người đã quen sử dụng sẽ không cần và công ty cũng không in thông tin đó lên từng túi hạt giống). Có thể hạt giống đã hết hạn sử dụng và sức sống của hạt cũng kém đi do bạn trữ quá lâu trong điều kiện không thuận lợi trước khi đem ra sử dụng. Vì vậy, trước khi biết chắc lí do để “đổ trách nhiệm” cho ai khác, bạn hãy đảm bảo rằng mình đã tìm hiểu và làm kỹ một số yêu cầu phù hợp.
Trước khi tìm hiểu một số lí do chính khiến hạt giống không thể nảy mầm, hãy xem qua cấu tạo cơ bản của một hạt giống.
Cấu tạo cơ bản của một hạt
Thông thường, một hạt giống bao gồm:
- Phôi hay mầm hạt: có kích thước rất nhỏ tùy theo kích thước của hạt, nằm ở một đầu của hạt giống, thường có hình dạng khác với phần còn lại của hạt; đây chính là nơi rễ và chồi hạt xuất hiện vào cuối quá trình nảy mầm. Vì vậy, có thể hình dung đây là phiên bản nhỏ gọn của một cây con nằm bên trong hạt, gồm có lá mầm, chồi mầm, thân mầm và rễ mầm.
- Cơ quan dự trữ (có thể là nội nhũ, ngoại nhũ – phôi nhũ và tử diệp, hay cả hai): nơi chứa các loại dinh dưỡng quan trọng như tinh bột, đường và chất béo (tinh dầu) cần thiết cho quá trình nảy mầm. Kết thúc của hiện tượng nảy mầm là sự phát triển của cây mầm. Lúc này, thường một số hạt tinh bột của cơ quan dự trữ có thể biến đổi thành diệp lục tố và thực hiện chức năng quang hợp.
Tùy theo loại cây trồng, cây mầm sẽ có 1 hay 2 lá mầm phát triển tương ứng. - Vỏ hạt: bảo vệ phôi và cơ quan dự trữ khỏi các tác động tiêu cực trong giai đoạn ngủ nghỉ của hạt.
Cấu tạo hạt Đậu (song tử diệp, 2 lá mầm) và Bắp (đơn tử diệp, 1 lá mầm)
Mặc dù có thể nói phôi là bộ phận quan trọng nhất của một hạt giống do chứa đựng phiên bản thu nhỏ của một cây trưởng thành về sau. Thiếu đi cơ quan dự trữ để tiếp tế năng lượng, hạt sẽ chẳng bao giờ nảy mầm được. Do vậy, bảo vệ lớp vỏ ngoài cũng quan trọng như bảo vệ cả hai phần còn lại của hạt.
Lí do chính khiến hạt khó nảy mầm và Biện pháp khắc phục
Ngày nay, cùng với sự đa dạng của các loại hạt giống lai chất lượng cao, công nghệ xử lý hạt giống không những chỉ giúp quá trình gieo trồng trở nên thuận tiện mà còn cải thiện chất lượng nảy mầm của hạt lên một tầm cao mới với nhiều phương pháp xử lý khác nhau. Hạt có thể được bao phủ bởi các hóa chất cần thiết để ngăn cản sự tấn công của sâu bệnh, được cung cấp thêm dinh dưỡng bổ sung để hỗ trợ quá trình nảy mầm của hạt và sự phát triển của cây giống. Hạt có thể được xử lý tiền nảy mầm để phá vỡ tình trạng tiềm sinh của hạt. Hạt có thể được bao phủ bởi một số chất phụ gia để làm tăng kích thước thật với các màu sắc khác nhau để thuận tiện cho quá trình gieo trồng… Chính vì vậy, việc gieo hạt giống được sản xuất và xử lý từ các công ty chuyên nghiệp không phải là một trở ngại lớn cho những người sản xuất cây giống và những người trồng trọt.
Hạt giống đã qua xử lý với nhiều màu sắc khác nhau,
còn giữ nguyên hay đã mất đi hình dạng hạt nguyên thủy
Tuy nhiên, nếu hạt giống bạn muốn trồng không được trang bị “kỹ đến tận chân răng” như vậy, có lẽ một số hướng dẫn dưới đây sẽ ít nhiều có ích.
- Vỏ hạt quá dày, nước khó vào được bên trong Hiện tượng này thấy phổ biến ở các hạt dưa hấu, bầu, khổ qua, đậu bắp. Dùng kéo hay dụng cụ cắt móng tay cắt nhẹ một đầu ở phía đối diện với phôi để tạo điều kiện cho nước thấm vào hạt dễ dàng hơn. Phương pháp này chỉ hữu ích khi gieo hạt với số lượng nhỏ và trồng tại vườn nhà vì việc cắt tỉa khá tốn thời gian. Thời gian nảy mầm của hạt sau khi cắt tỉa có thể rút ngắn tới 2-3 ngày, đồng thời hạt cũng nảy mầm đều hơn.
- Vỏ hạt chứa chất ức chế nảy mầm Thường thấy ở hạt bí đao, củ cải các loại. Cách dễ nhất là ngâm hạt trong nước và thay mới sau mỗi 30 phút. Làm vậy từ 5-7 lần sẽ giúp loại bỏ bớt chất ức chế nảy mầm trong hạt, giúp hạt nảy mầm nhanh hơn từ 3-5 ngày tùy theo nhiệt độ lúc gieo. Sau khi rửa qua nước nhiều lần, để tiện thao tác gieo hạt do hạt tương đối nhỏ, dùng khăn vải hoặc giấy hút ẩm qua đêm để hạt ráo nước rồi gieo liền vào sáng sớm hôm sau.
- Phôi hạt chưa trưởng thành Một số hạt giống có kích thước nhỏ nhưng phôi hạt chưa trưởng thành, trong khi lớp vỏ hạt khá cứng như cà rốt, cần tây… Để tăng tốc độ đồng đều cũng như thời gian nảy mầm của hạt, bạn cũng có thể ngâm trong nước ấm trong vòng 24 tiếng. Sau đó làm ráo nước như hướng dẫn ở trên để tiện thao tác gieo hạt do hạt quá nhỏ. Đối với các loại hạt nhỏ này thì cách tốt nhất là gieo hạt ngay sau khi ráo nước. Vì để hạt khô trở lại sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả nảy mầm.
- Nhạy cảm với điều kiện lạnh hay đẫm nước Một trong những cách phổ biến nhất mà ông bà ta xưa nay vẫn quen dùng là ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) để cải thiện khả năng nảy mầm. Vì vậy, bạn có thể kết hợp phương pháp này với các biện pháp trên để tăng hiệu quả. Hạt bắp, rau bó xôi, các loại hạt có kích thước lớn và hạt của các loại cây thích nghi ở điều kiện khí hậu nhiệt đới như nước ta hưởng lợi thấy rõ từ phương pháp này. Ngâm hạt trong nước ấm có thể rút ngắn thời gian nảy mầm lên một nửa, hạt trương nước và cây giống cũng mập mạp, khỏe mạnh hơn.
Thật ra không có hạt giống nào thích bị đẫm nước. Bởi vì nếu tình trạng này kéo dài hạt sẽ bị thiếu oxy để hô hấp, đặc biệt ở các loại hạt “yếu” trong khi hàm lượng tinh bột lại cao như dưa leo, đậu. Hạt yếu được hiểu là hạt có sức sống kém, do được lưu trữ lâu hoặc lưu trữ trong điều kiện không thuận lợi, hạt bị thu hoạch quá sớm hay quá trình phát triển hạt trong trái bị ảnh hưởng tiêu cực do côn trùng sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Vì vậy, chỉ với một lượng nhỏ oxy, có thể không đủ để khơi mào cho hoạt động phân giải tinh bột, protein và chất béo cần thiết trước khi tế bào hạt có thể giải phóng năng lượng để dùng vào các hoạt động trao đổi chất khác. Lúc này, hạt sẽ bị “chết ngạt”, dẫn đến tình trạng thối hạt.
Ngâm hạt trong nước ấm, ngoài việc để kích thích hạt nảy mầm đồng đều và cho cây giống khỏe mạnh, còn giúp loại bỏ bớt một số hạt lép nổi bên trên (trường hợp hạt giống được giữ từ vụ trước và không qua các giai đoạn xử lý chuyên nghiệp như ở công ty), thường thấy ở hạt hoa hướng dương, dưa lưới. Tuy vậy, cũng đừng lẫn lộn sự nổi của các hạt lép và hạt bình thường do chưa được thấm nước đầy đủ. Một số hạt vẫn còn một ít khoảng trống giữa phần thịt hạt và lớp vỏ hạt (do đặc tính hạt hoặc do chất lượng hạt kém, thịt không đầy). Khi hạt chưa đẫm nước, phần khí bên trong giúp hạt nổi lên.
- Nếu số lượng hạt gieo không quá nhiều, bạn cũng có thể chọn cách ngâm xử lý hạt theo các hướng dẫn như trên. Sau đó, tự ủ hạt trong khăn hay giấy ẩm (không đẫm nước, vì sau khi xử lý theo các bước như trên hạt đã nhận đủ nước) để ngăn hạt bị khô trở lại. Tùy theo loại hạt, sau 1-2 hay thậm chí là 3-5 ngày (cà chua, ớt, cà), hiện tượng nảy mầm hoàn tất và rễ mầm bắt đầu lú ra ngoài. Lúc này, bạn chỉ việc đem hạt ra trồng. Theo cách này, bạn có thể biết chắc chắn có bao nhiêu cây con. Tuy nhiên, việc này khá tốn công và đỏi hỏi sự cẩn trọng trong thao tác gắp hạt ra gieo do rễ mầm đã phát triển và rất dễ bị gãy.
Hạt cà chua nảy mầm trên giấy ẩm
- Ngoài ra, để đạt được kết quả mỹ mãn sau khi đã tốn công xử lý hạt, đặc biệt nếu bạn mới tậu được hạt của một loại cây quý hiếm nào đó. Thì việc che đậy để giữ ẩm cho hạt sau gieo trong vòng khoảng 3-5 ngày sau đó (tùy theo loại hạt), đồng thời để cây mầm mới vừa nhú ra khỏi hạt được tiếp xúc với ánh sáng là cực kỳ quan trọng.
Nếu gieo trong nhà, bạn có thể dùng miếng film trong bọc đồ ăn để bọc kín phần chậu gieo hạt và để cây cạnh cửa sổ hoặc gần đèn. Bằng cách này, bạn có thể không cần phải bổ sung thêm nước cho hạt hàng ngày. Còn nếu gieo ngoài vườn, nên dùng loại lá khô dài và nhỏ như rơm rạ để phủ một lớp mỏng bên trên. Cách này tiện ở chỗ bạn không cần phải thăm chừng hàng ngày vì cây mầm nhú ra sẽ dễ dàng tiếp nhận ánh sáng xuyên qua các kẽ lá. Tuy nhiên, nếu phải dùng các loại lá lớn hơn như lá chuối, tàu dừa… bạn cần phải kiểm tra hàng ngày. Lập tức dỡ bỏ tấm che khi thấy dấu hiệu nhú lên của cây mầm. Cây mầm thiếu ánh sáng thường ốm yếu, cao ỏng eo và màu nhợt nhạt. Cây con có xuất phát điểm như vậy thường tốn nhiều thời gian hơn để hồi phục và phát triển khỏe mạnh bình thường trở lại.
(Tác giả: Thanh Uyên)
Để tìm hiểu thêm về nội dung bài viết cũng như được tư vấn về cách chăm sóc cây chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực rau quả – trồng cây trong giá thể và môi trường nhà kính, bạn có thể liên hệ qua email: vuoncaybama@gmail.com