Bí mật của cây bơ không ra trái

Thanh Uyên  Ι  10.2021

Đối với nhiều người, chuyện “bơ không ra trái” hẳn không có gì mới mẻ! Đặc biệt khi nó là cây bơ duy nhất đứng chơ vơ trong vườn. Vì vậy, khi đi mua cây giống bơ về trồng hoặc có dịp trò chuyện về chủ đề này với người có chút ít kinh nghiệm, bạn sẽ được khuyên là nên trồng ít nhất 2 cây trong vườn hoặc là nên trồng 2 loại cây giống khác nhau để cây đậu trái hiệu quả hơn. Đâu là lời khuyên hữu ích?

Món ăn bơ và trứng

Bơ là một loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng bổ ích cho sức khỏe

Trước tiên, hãy nói sơ qua một vài lí do chính tại sao cây bơ lại không ra trái

Cũng giống như nhiều loại cây trồng khác, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Một loại cây trồng không cho trái có thể vì điều kiện trồng không thuận lợi (đặc biệt là điều kiện chiếu sáng và nhiệt độ) nên cây không thể ra hoa. Và vì không có hoa nên cũng không có trái. Đôi khi cây có ra hoa, nhưng hoa không kết trái vì quá trình thụ phấn và thụ tinh không xảy ra được do điều kiện thời tiết bất lợi. Có khi hoa kết trái nhưng trái không lớn được do chế độ nước tưới và dinh dưỡng không hợp lí…

Riêng đối với bơ, lí do đầu tiên là do cây chưa đến tuổi trưởng thành. Một cây bơ giống ghép thường sẽ bắt đầu cho trái đầu tiên sau khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, thời gian này sẽ kéo dài hơn rất nhiều, từ 5-7 năm, hay thậm chí là lâu hơn, nếu bạn tự gieo hạt hoặc chẳng may mua trúng cây giống gieo từ hạt mà không biết.

Lí do thứ hai là do điều kiện trồng không thuận lợi, đặc biệt là độ ẩm và nhiệt độ. Độ ẩm liên quan đến khả năng đóng mở Khí khẩu của lá nhằm giúp cây hút nước từ đất hiệu quả. (Khí khẩu là các lỗ nhỏ xíu nằm ở mặt trên và dưới lá, nơi nước từ cây thoát ra ngoài dưới dạng hơi nước, giúp làm mát cho cây). Nhiệt độ liên quan đến khả năng thụ phấn của hoa.

Ở nước ta, điều kiện độ ẩm thấp và nhiệt độ thấp gần như không phải là lí do chính để quan ngại bởi vì cây bơ có ngưỡng nhiệt độ phát triển khá rộng và có thể chịu đựng được thời tiết lạnh và nóng khá tốt. Điểm đáng lưu ý là tình trạng nhiệt độ cao trong giai đoạn cây đang nở hoa rộ và xảy ra hiện tượng thụ phấn, kết trái. Ở giai đoạn sinh trưởng bình thường, cây sẽ có xu hướng đóng Khí khẩu khi độ ẩm thấp kết hợp với nhiệt độ cao (trên 31oC) để hạn chế thoát hơi nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn sinh sản, nếu cây của bạn đang quen thuộc với điều kiện khí hậu mát mẻ, chỉ cần vài ngày ở 32oC hoặc cao hơn, cây có thể sẽ không có trái nào. Trong trường hợp này, tưới nước đầy đủ và tăng cường thêm cho cây trước đó 1-2 ngày có thể là một giải pháp thiết yếu.

Lí do tiếp theo, tuy ít phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra, là do cây bơ muốn nghỉ ngơi. Điều này nghe có vẻ hơi kì lạ, phải không? Nhưng không có gì lạ với cây bơ. Chuyện này xảy ra khi cây bơ của bạn vẫn cho trái đều đặn hàng năm nhưng bỗng dưng năm nay lại chẳng có trái nào hoặc là rất ít trái. Đối với những người trồng trang trại với số lượng lớn, việc tất cả các cây bơ không ra trái nào sau bao nhiêu năm vẫn cho trái đều đặn là chuyện rất hiếm, hoặc có thể nói là không có. Có chăng là nó sẽ xảy ra theo kiểu: 1 năm năng suất thấp theo sau một năng năng suất cao. Tuy nhiên, những ai chỉ có duy nhất 1-2 cây bơ ở vườn nhà thì hiện tượng này là hoàn toàn có thể.

Lí giải cho hiện tượng này, các nhà khoa học gọi đó là một kiểu thay đổi sinh sản. Hiểu nôm na cũng giống như việc con gà nhà bạn tự nhiên ngưng đẻ trứng một ngày rồi sang hôm sau nó lại đẻ ra 2 trứng. Vì vậy, nếu chuyện này xảy ra với cây bơ nhà bạn, đừng lo lắng! Cứ tưới nước, chăm sóc cho cây như bình thường, sang năm sau cây sẽ lại ra trái mà thôi.

bơ không ra trái

Bơ là một trong những loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất ở Mexico và Mỹ

Cấu tạo hoa bơ

Tuy nhiên, trong số đủ thứ lí do lớn nhỏ, thì lí do phổ biến nhất mà một cây bơ đến tuổi trưởng thành lại không có trái là vì chức năng sinh sản có hơi phức tạp của hoa bơ.

Trong tự nhiên, hoa thường được cấu tạo đơn tính hay lưỡng tính. Đơn tính ý nói đến bộ phận đực (nhị đực, chứa phấn hoa) và cái (nhụy cái, chứa nướm và bầu noãn – sau thụ tinh phát triển thành trái) nằm tách biệt ở hai hoa khác nhau. Lưỡng tính khi cả hai bộ phận đực và cái đều nằm trong cùng một hoa. Tùy theo sự hiện diện của hoa đơn tính đực, hoa đơn tính cái và hoa lưỡng tính trên cùng một cây hay khác cây của cùng một giống cây, người ta còn phân loại ra nhiều kiểu hoa khác nhau. Xem cấu trúc của hoa tại đây.

Riêng đối với bơ, hoa của chúng là hoa lưỡng tính có cả bộ phận đực và cái. Thường các hoa lưỡng tính có khả năng tự thụ. Nghĩa là chúng có thể tự thụ phấn và thụ tinh rồi cho trái mà không cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài như gió, ong, bướm, con người… Ngoài ra, thời điểm hoa nở (thường là buổi sáng đối với nhiều loại hoa) thường cũng là lúc xảy ra hiện tượng thụ phấn, rồi sau đó vài khoảng vài chục phút xảy ra hiện tượng thụ tinh và kết quả là trái được tạo ra.

bơ không ra trái

Hoa bơ có thời gian trưởng thành khác nhau ở hai bộ phận sinh sản đực và cái

Hoa bơ chẳng hề tuân thủ đúng các nguyên tắc bình thường này tẹo nào!!!

Thời gian và kiểu nở hoa

Đầu tiên là thời gian hoa nở. Thay vì chỉ nở trong vòng một buổi (sáng, chiều hoặc tối nhưng khá hiếm) như phần lớn các loại hoa khác, hoa bơ nở trong vòng 2 ngày.

Thứ hai là thời gian trưởng thành của hoa. Thời gian trưởng thành ở đây được hiểu là nhụy cái sẵn sàng để nhận phấn và nhị đực sẵn sàng để tung phấn. Cho dù là hoa đơn tính hay lưỡng tính, khi cả hai bộ phận đực và cái đủ tuổi trưởng thành và có khả năng tương thích với nhau, hiện tượng thụ phấn sẽ xảy ra trong vòng 2-3 phút sau khi để chúng tiếp xúc với nhau.

Mặc dù hoa bơ nở trong vòng 2 ngày, chúng lại không nở liên tục. Chúng nở ngày thứ nhất, đóng lại, rồi lại tiếp tục nở ngày thứ hai, tương ứng với sự trưởng thành của nhụy cái ở ngày thứ nhất và của nhị đực ở ngày thứ hai.

Thứ ba là có hai kiểu nở hoa. Dường như kiểu nở hoa 2 ngày với thời gian trưởng thành khác nhau của nhụy cái và nhị đực là “chưa đủ thú vị”, hoa bơ còn bổ sung vào danh sách phức tạp của mình bởi hai kiểu nở hoa khác nhau. Các nhà khoa học gọi là kiểu A và kiểu B. Kiểu A có hoa nở vào sáng ngày thứ nhất, nhụy cái sẵn sàng để nhận phấn nhưng nhị đực chỉ tung phấn vào chiều hôm sau khi hoa nở trở lại. Trong khi đó, nhụy cái của kiểu B trưởng thành khi hoa nở vào buổi chiều ngày thứ nhất nhưng phấn hoa lại không có mãi đến sáng hôm sau khi hoa này nở lại lần thứ hai.

Vì những lý do khác thường nêu trên, những ai trồng bơ chỉ với một cây duy nhất hoặc thậm chí là nhiều hơn một cây với nhiều giống cây khác nhau, nhưng lại có cùng kiểu nở hoa A hoặc B, sẽ gần như không có hoặc có rất ít trái. Đôi khi may mắn, bạn cũng có thể thu được một ít trái không hạt với kích thước khá nhỏ.

Như vậy, quay lại câu hỏi ban đầu, lời khuyên dành cho những người trồng bơ là nên trồng ít nhất 2 loại giống cây có 2 kiểu nở hoa khác nhau, chứ không phải là bất cứ 2 loại cây nào.

(Tác giả: Thanh Uyên)

Để tìm hiểu thêm về nội dung bài viết cũng như được tư vấn về cách chăm sóc cây chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực rau quả – trồng cây trong giá thể và môi trường nhà kính, bạn có thể liên hệ qua email: vuoncaybama@gmail.com

error: Nội dung có bản quyền!