Chanh dây: Những điều bạn chưa biết

Thanh Uyên  Ι  10.2021

Tên tiếng Việt: chanh dây, chanh leo, hoa lạc tiên
Tên tiếng Anh: passion fruit, passion flower, passion vine
Tên khoa học: Passiflora sp., Họ: Passifloraceae

Chanh dây là một loại cây phổ biến khắp nơi trên thế giới không phải chỉ bởi kiểu hoa khác lạ với màu sắc và hình dáng đặc biệt mà còn là một loại trái cây ăn được, chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, cộng với mùi vị chua ngọt thơm lừng.

Hoa chanh dây
Hoa chanh dây
Hoa chanh dây
Hoa chanh dây
Hoa chanh dây

Màu sắc đa dạng của hoa chanh dây

Nguồn gốc chanh dây

Mặc dù được trồng rất nhiều ở Việt Nam, chanh dây thật ra có nguồn gốc từ Nam Mỹ và phần lớn các loại chanh dây được trồng phổ biến trên thế giới đều xuất phát từ đây. Theo các tài liệu, chanh dây được những người bản địa Nam Mỹ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau từ chữa lành vết thương, làm thuốc bổ, thuốc an thần đến hỗ trợ tiêu hóa, viêm cổ họng, hen suyễn hay bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ cai sữa. Tất cả các phần trên không của cây, từ lá thân đến hoa, đều có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Khi các nhà truyền giáo người Tây Ban Nha lần đầu tiên nhìn thấy hoa chanh dây vào đầu thế kỷ 17, họ cho rằng mình đã nhìn thấy biểu tượng Chúa Giê-su bị đóng đinh hay Niềm đam mê (passion) và vì vậy, đã dùng tên này để đặt cho nó.

Từ đó, người Tây Ban Nha đã giới thiệu chanh dây sang Châu Âu. Và rồi, từ từ nó trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, từ Brazil (quê nhà của chanh dây) đến Úc, Hawaii, Nam Phi, Israel đến Ấn độ và tất cả mọi nơi.

Trong số các loại chanh dây ăn được, 2 loại phổ biến nhất có trái màu tím và vàng, dạng trứng. Chanh dây vàng chịu rét kém hơn và thường thích nghi ở điều kiện khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, cả hai loại vàng và tím đều được trồng rộng rãi và cho năng suất tốt.

Các loại nước ép trái cây
Chanh dây

Chanh dây làm nước giải khát

Hoa chanh dây

Một trong những điểm thú vị đối với những người sưu tập chanh dây là mong muốn được thưởng thức hương vị đặc biệt của nó. Tuy nhiên, không giống như vẻ ngoài là một hoa hoàn chỉnh (có cả nhị đực và nhụy cái), một số loại chanh dây có hoa không thể tự thụ phấn. Nghĩa là nó phải được thụ phấn với hoa của một cây khác. Vì vậy, nếu chỉ trồng có mỗi mình nó thì sẽ không có trái để ăn. Ngoài ra, thụ phấn bổ sung bằng tay là đôi khi cũng cần thiết. Sự bất thụ ở các hoa này thường được thể hiện qua độ cong của vòi nhụy.

Lợi ích của chanh dây

Ngoài vai trò cung cấp dinh dưỡng dưới dạng thức ăn và nước uống, ngày nay, chanh dây còn được sử dụng rộng rãi ở một số nước trong việc hỗ trợ giấc ngủ, làm thuốc an thần để xoa dịu căng thẳng thần kinh. Nó cũng được sử dụng kết hợp với một số loại cây khác để trị rối loại tiêu hóa và xoa dịu trạng thái bồn chồn, quá phấn khích ở trẻ em. Chính vì vậy, chanh dây được xếp vào nhóm các loài thảo mộc làm dịu hệ thần kinh.

Sở dĩ chanh dây có được nhiều tác dụng như vậy là vì nó chứa một lượng lớn flavonoids (một dạng Chất oxy hóa), vitamin C (chiếm 9% tổng giá trị dinh dưỡng hàng ngày dành cho một người), chất xơ (7%), CarotenoidsPolyphenol. Chanh dây cũng chứa một lượng nhỏ sắt (Fe) và magiê (Mg), giúp hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả và nhiều chức năng khác của cơ thể.

Dịch trích của hoa-lá-thân và trái chanh dây được dùng để chống lại cảm giác lo lắng và khó ngủ.

* Thu lấy tất cả các phần trên không của cây (không lấy rễ), rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô và cất để dùng từ từ. Hàng ngày đun sôi 1-2 muỗng cà phê chất khô trong 0.5 lít nước trong vòng 5-10 phút. Lọc và uống 3 lần trong ngày và trước khi đi ngủ. Nếu đun lá tươi, dùng 2 muỗng cà phê.

Lưu ý: Một vài người có thể có cảm giác buồn ngủ và chóng mặt khi uống dịch trích chanh dây theo kiểu này. Chanh dây cũng chứa một lượng nhỏ alkaloid, có thể gây kích thích tử cung. Vì vậy, những người mang thai không nên dùng. Ngoài ra, dịch trích này cũng có thể tương tác với thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu.

(Tác giả: Thanh Uyên)

* Thông tin chỉ mang tính tham khảo. Tác giả không chịu trách nhiệm cho bất cứ tác hại nào gây ra bởi việc sử dụng dịch trích chanh dây theo mô tả như trên.

Tham khảo
Rebecca L. Johnson & Steven Foster Tieraona Low Dog, M.D. & David Kiefer, M.D. National Geographic Guide to Medicinal Herbs. National Geographic, Washington D.C., 2010. Print.
https://aihd.ku.edu/foods/PassionFruit.html
https://hort.purdue.edu/newcrop/morton/passionfruit.html

error: Nội dung có bản quyền!