Hoa gì có nhiều cánh hoa nhất?

Thanh Uyên  Ι  12.2021

Bạn có bao giờ ở vào tình trạng nhắm mắt với một bông hoa cúc trong tay và bắt đầu lẩm bẩm: ‘Yêu… không yêu… yêu…’ cho tới khi chỉ còn sót lại… một cùi hoa?

Đây là một trò chơi có nguồn gốc từ Pháp (gọi là Effeuiller La Marguerite) dùng để xác định liệu đối phương mình đang nhắm đến có tình ý với mình hay không.

Tuy nhiên, cho dù chưa từng làm vậy, thì ai cũng biết rằng mỗi một phần riêng biệt có hình thon dài như chiếc thuyền nhỏ hoặc cong vút với màu sắc sặc sỡ cùng đính vào cùi của một hoa cúc được gọi là cánh hoa. Nghĩa là, so với hoa lily vốn chỉ có 5 cánh, hoa calla hình như chỉ có 1 cánh, thì hoa cúc và có lẽ cả hoa hồng có rất rất nhiều cánh.

Vậy thì, phải chăng hoa cúc và hoa hồng là hoa có số lượng cánh nhiều nhất? Để trò chơi ‘yêu… không yêu…’ được hấp dẫn hơn?

Hoa nhiều cánh hoa

Trong tự nhiên, phần lớn các loài hoa đều khá nổi bật bởi đặc tính muôn màu muôn vẻ của chúng, cả về hình thức bên ngoài như màu sắc, hình dáng đến cấu trúc bên trong. Sự đa dạng này xuất phát từ việc cây trồng phải tìm cách để thu hút các loài sinh vật khác bao gồm cả côn trùng cũng như bất cứ yếu tố tự nhiên nào sẵn có nhằm giúp chúng thụ phấn, duy trì nòi giống. Lí do là vì chúng chỉ đứng yên có một chỗ, không thể tự ý di chuyển khắp nơi giống như động vật.

Cũng chính vì lí do này, việc nhận diện các loại cây khác nhau có hơi khó khăn. Để tiện cho việc nghiên cứu cũng như đảm bảo tính chính xác, các nhà khoa học đã phân loại và sắp xếp các loại cây theo từng cấp bậc dựa vào tính tương đồng ít hay nhiều giữa các loài khác nhau. Trong đó, cấu trúc hoa hay cơ quan sinh sản được xem là yếu tố mang tính quyết định.

Định danh các loài thực vật

Trong số các loài thực vật có hoa (còn gọi là cây ngành hạt kín Angiosperm, chiếm khoảng 90% trong tổng số các loài thực vật), có khoảng 416 họ với 369.000 loài đã được phát hiện với kiểu hoa gần như là chuyên biệt và duy nhất, giống như dấu vân tay hay đồng tử ở mắt của con người. Xem cấp bậc phân loại tại đây.

Một trong những cấp bậc phân loại được sử dụng rộng rãi và nhắc đến nhiều nhất cả trong nghiên cứu và ứng dụng thực tế là Họ. Trong trồng trọt, ta thường được khuyên trồng xen kẽ hay luân canh các loại cây trồng có Họ khác nhau. Ví dụ: Họ bầu bí bao gồm dưa leo, dưa hấu, bí ngồi…, họ thập tự có cải ngọt, lơ xanh, củ cải… còn họ cà bao gồm cà chua, ớt, khoai tây…

Gingko

Cây bạch quả (ginkgo) thuộc họ Ginkgoaceae

Ngay cả trong số các cây cùng họ, sự đa dạng của cấu trúc hoa cũng không hề bị giới hạn. Có họ chỉ có mỗi một loài duy nhất còn tồn tại trên Trái Đất. Ví dụ: Họ Ginkgoaceae, là họ của cây bạch quả và thuộc cây Ngành hạt trần (Gymnosperm). Chiết xuất của loại cây này được sử dụng để làm tăng trí nhớ, đặc biệt cho những người lớn tuổi. Một số Họ khác như Cúc Asteraceae, có tới hơn 32.500 loài khác nhau, chưa kể các giống lai phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.

Hoa thuộc họ Cúc

Các loại hoa khác nhau trong cùng họ Cúc
(hướng dương, đồng tiền, …, cúc dại, vạn thọ, thược dược, bồ công anh, a-ti-sô, xà lách)

Các dẫn chứng này cho thấy rằng hoa quả thật có sức quyến rũ ghê ghớm. Người ta trồng hoa tại nhà, mua hoa về chưng và đi xem hoa nở ở bất cứ đâu mỗi khi có dịp. Hoa tượng trưng cho sắc đẹp, thể hiện tình yêu thương đôi lứa và cũng là để chia sẻ nỗi khổ đau mất mát người thân hay tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Và đặc điểm nổi bật nhất của một bông hoa là ở cánh hoa của nó. Vậy thực chất cánh hoa là gì?

Cấu trúc của hoa

Đầu tiên, hãy xem qua cấu trúc của một bông hoa. Nó bao gồm 4 phần: đài hoa, tràng hoa, bộ nhị đực và bộ nhụy cái. Đài hoa nằm ngoài cùng, thường có màu xanh tương tự như cuống hoa nối liền với thân, có tác dụng bao bọc bảo vệ hoa khi còn nhỏ. Đài hoa có thể liền mạch hay bị xẻ thành nhiều thùy tới sát mép cuống hoa giống như ở lá.

Kế tiếp là tràng hoa, nối liền hay kếp hợp bởi nhiều cánh hoa riêng biệt. Số lượng cánh hoa là một trong những cách để phân biệt giữa cây một và hai lá mầm. Hoa có số cánh với bội số của 3 là đặc điểm nhận diện của cây một lá mầm (lúa, bắp). Trong khi ở cây hai lá mầm (đậu, dưa leo, cà chua), con số này có thể là 4 hay 5. Tràng hoa thường là nơi nổi bật nhất do rất đa dạng về hình dáng và màu sắc. Hoa nở cũng là lúc tràng hoa hay các cánh hoa xòe ra phơi bày cơ quan sinh sản: bộ nhị đực và bộ nhụy cái, vốn được bảo vệ cẩn thận bên trong hai lớp tràng hoa và đài hoa khi còn non trẻ.

Cấu trúc hoa

Các phần khác nhau của một hoa

Bộ nhị đực bao gồm nhiều chỉ nhị xuất phát từ cuống hoa với tận cùng là các bao phấn chứa hạt phấn. Bộ nhụy cái thường nằm giữa hoa, bao gồm vòi nhụy hơi phình to ở phía cuống gọi là bầu nhụy, bao bọc noãn bên trong. Đầu vòi nhụy phần hướng ra ngoài gọi là nướm, nơi tiếp nhận hạt phấn trong hiện tượng thụ phấn. Trong tự nhiên, sự nở hoa của một số loài còn là dấu hiệu của sự giao mùa, thường báo hiệu điềm lành của tiết trời ấm áp hay thuận lợi sau khoảng thời gian lạnh giá hay oi bức.

Phân loại hoa

Tuy nhiên, không phải bông hoa nào cũng có đủ cả 4 phần như trên. Có hoa thiếu cánh, có hoa thiếu cơ quan sinh sản đực hay cái và đôi khi rất khó để phân biệt đâu là đài hoa hay cánh hoa. Chính vì vậy, người ta lại phân ra hoa hoàn chỉnh, ý nói đến một bông hoa có đủ cả 4 phần. Bằng ngược lại, được xem là hoa chưa hoàn chỉnh.

Ngoài ra, một hoa chỉ có thể mang một bộ nhị đực, một bộ nhụy cái hoặc cả hai. Những loại chỉ có một cơ quan sinh sản duy nhất được gọi là hoa đơn tính hay hoa đực và hoa cái. Trong khi hoa có cả hai cơ quan sinh sản được gọi là hoa lưỡng tính hay hoa hoàn hảo.

Như vậy, hoa đơn tính luôn là hoa chưa hoàn chỉnh. Nhưng hoa chưa hoàn chỉnh có thể là hoa đơn tính hoặc không.

Cùng thuộc Họ bầu bí nhưng hoa dưa hấu là đơn tính (trái) còn hoa dưa lưới là lưỡng tính (phải)

Tùy theo sự hiện diện của hoa đơn tính đực, hoa đơn tính cái và hoa lưỡng tính trên cùng một cây hay khác cây của cùng một giống cây, người ta còn phân loại ra nhiều kiểu hoa khác nhau.

Sự hiện của cơ quan sinh sản đực và cái trên cùng một hay khác hoa, cùng một hay khác cây là yếu tố liên quan đến khả năng sinh sản tạo hoa trái, đồng thời nó thể hiện sự phụ thuộc của loại cây đó vào yếu tố môi trường bên ngoài: rằng cây có thể tự thụ hay cần đến sự giúp đỡ của côn trùng, gió, nước… và động vật bao gồm cả con người.

Thông thường, thời điểm hoa nở (thường là buổi sáng đối với nhiều loại hoa) cũng là lúc cả hai cơ quan sinh sản đực và cái đều trưởng thành (cả ở hoa đơn tính hay lưỡng tính). Hiện tượng thụ phấn sẽ xảy khi phấn hoa của bộ nhị đực rơi vào nướm của bộ nhụy cái. Rồi sau đó khoảng vài chục phút lại xảy ra hiện tượng thụ tinh với kết quả là trái sẽ được tạo ra bên trong bầu noãn. Tuy nhiên, không phải hoa của loại cây nào cũng tuân thủ đúng các nguyên tắc trên. Hoa bơ là một ví dụ điển hình cho kiểu ‘nổi loạn’ này.

Phân loại hoa dựa vào kiểu phát hoa

Theo như cách phân loại nêu trên, thì có vẻ là mỗi bông hoa, cho dù là đơn tính hay lưỡng tính, đều chỉ có tối đa một bộ nhị đực hoặc/và một bộ nhụy cái. Một bộ nhị đực có thể mang một hay rất nhiều chỉ nhị và bao phấn. Trong khi một bộ nhụy cái có một vòi nhụy với một hoặc nhiều nướm, hoặc một nướm với nhiều thùy và một bầu noãn với nhiều ngăn.

Vậy còn những bông hoa chứa nhiều hơn một bộ nhị đực và một bộ nhụy cái?

Hoa dâm bụt
Cơ quan sinh sản của hoa dâm bụt

Hoa dâm bụt là một dạng hoa đơn lẻ, bộ nhụy cái có nướm chia làm 5 thùy

Để phân biệt sự khác nhau này, các nhà khoa học gọi các hoa nằm đơn lẻ trên một cành, ví dụ hoa dâm bụt, là hoa đơn lẻ hay hoa cô độc; trong khi nhiều hoa cùng tập trung thành một nhóm trên một cành là cụm hoa hay phát hoa. Theo cách định nghĩa này, ta cũng có thể hiểu rằng cụm hoa là một chùm các hoa đơn lẻ nằm gần nhau. Sự sắp xếp các hoa đơn lẻ trong một cụm hoa được gọi là hoa tự.

Hoa sống đời

Hoa sống đời với kiểu phát hoa hữu hạn

Bởi vì có rất nhiều kiểu phát hoa khác nhau, các nhà khoa học lại tìm cách phân loại chúng dựa vào thứ tự nở của các hoa đơn lẻ bên trong một chùm hoa hay cụm hoa. Nếu hoa đơn lẻ đầu tiên nở ra nằm ở phần đỉnh của chùm hoa đó, tiếp nối bởi các hoa ở xung quanh hay bên dưới, ta gọi là kiểu phát hoa hữu hạn. Điển hình của kiểu nở hoa này là hoa sống đời, hoa tử linh lan. Trong khi đó, nếu bông hoa đơn lẻ cuối cùng nở ra lại nằm trên trục chính của phát hoa và quá trình nở hoa tuần tự hướng vào trong hoặc lên trên, thì đó là kiểu phát hoa vô hạn.

Kiểu hoa đầu

Kiểu hoa đầu ở hướng dương

Kiểu hoa tán

Kiểu hoa tán ở hoa cà rốt

Kiểu hoa chùm

Kiểu hoa chùm ở hoa mõm chó

Có rất nhiều kiểu phát hoa vô hạn tùy thuộc vào sự sắp xếp của hoa tự và hình dáng mà cụm hoa tạo thành. Kiểu hoa đầu dùng cho cúc hay hướng dương khi tất cả các hoa cùng nằm trên một đĩa dẹt, hoa ngoài cùng già nhất, nở đầu tiên và tàn sớm nhất. Kiểu hoa tán phổ biến ở cà rốt hay thì là với một chùm nhiều hoa có kích thước tương đối bằng nhau cùng tỏa ra từ một nhánh chính. Kiểu hoa chùm gồm nhiều hoa đơn lẻ phát triển dọc theo trục chính như ở lay ơn hay mõm chó, với hoa non nhất luôn nằm trên cùng… và nhiều kiểu khác nữa. Việc nhận diện được một số kiểu phát hoa và thời gian nở hoa của từng hoa đơn lẻ trong phát hoa giúp ích trong việc điều tiết thời gian nở hoa khi chăm sóc, đồng thời cũng hữu dụng trong việc chăm sóc hoa cắt cành đối với kỹ nghệ cắm hoa.

Chính vì sự đa dạng này mà đôi khi nhiều người lầm tưởng cả một chùm nhiều hoa là một bông hoa duy nhất, đặc biệt là kiểu hoa đầu ở Họ cúc.

Sự đa dạng của cánh hoa

Bây giờ, hãy xem xét kỹ hơn một chút về cánh hoa. Về mặt sinh học, cánh hoa được xem là phần biến đổi của lá bao quanh cơ quan sinh sản. Chúng thường có màu sắc sặc sỡ hoặc hình dáng khác thường để thu hút các loại côn trùng đến thụ phấn.

Mặc dù mô tả của cánh hoa nghe có vẻ đơn giản, thực tế là có đôi khi nhìn vào một bông hoa ta không thể nào biết chắc đâu là cánh hoa, đài hoa hoặc là có sự hiện diện của nó hay không. Ví dụ như hoa calla và hoa giấy, phần ngoài cùng với màu sắc nổi bật khác nhau luôn khiến ta liên tưởng đến cánh hoa nhưng thực chất đó chỉ là bẹ lá đã bị biến đổi thành, nhằm bảo vệ bông hoa nhỏ xíu nằm bên trong. Các bẹ lá này không còn duy trì màu xanh đặc trưng của chúng, và do đó, không còn khả năng thực hiện chức năng quang hợp như bình thường. Thay vào đó, chúng đảm nhiệm chức năng bảo vệ hoa và thu hút côn trùng do kích thước của cánh hoa thật quá bé nhỏ.

Ngoài ra, cánh hoa có thể nằm riêng lẻ hoặc dính chung với nhau tạo thành một tràng hoa liên tục, ôm trọn các cơ quan sinh sản bên trong.

Hoa calla

Hoa calla

Hoa bông giấy

Hoa bông giấy

Như vậy, với tất cả các thông tin như trên, ta có thể hiểu rằng việc xác định và đếm số lượng cánh hoa của một bông hoa nào đó không phải là điều dễ dàng, ít nhất là đối với một số loại. Câu trả lời cho chủ đề bài viết hôm nay có thể là hoa cúc hay hoa hướng dương tuy sẽ không chính xác về mặt khoa học. Còn lại, các loại hoa như hoa mẫu đơn, hoa mao lương hay hoa hồng… với số lượng cánh hoa là bội số của 4 hoặc 5 sẽ là câu trả lời có vẻ hợp lý hơn. Bởi vì số lượng cánh hoa cụ thể còn tùy thuộc vào giống cây trồng và điều kiện sinh trưởng nên sẽ không có câu trả lời duy nhất.

Hoa nhiều cánh hoa - Hoa hồng

Hoa hồng

Hoa nhiều cánh hoa - Hoa mẫu đơn

Hoa mẫu đơn

Hoa nhiều cánh hoa - Hoa mao lương

Hoa mao lương

Vì lý do này, nếu không tìm được một bông hoa cúc để chơi trò ‘yêu… không yêu…’, bạn cũng có thể thử với hoa hồng, hoa mẫu đơn hay hoa mao lương :-).

(Tác giả: Thanh Uyên)

Để tìm hiểu thêm về nội dung bài viết cũng như được tư vấn về cách chăm sóc cây chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực rau quả – trồng cây trong giá thể và môi trường nhà kính, bạn có thể liên hệ qua email: vuoncaybama@gmail.com

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Nội dung có bản quyền!